Violet Zhu, nhà xuất khẩu linh kiện điện tử ở Thượng Hải, tìm mua hồng ngọc, kim cương tại các cuộc đấu giá, thay vì đầu tư vào chứng khoán nhiều rủi ro.
"Tôi không có đầu óc đầu tư chứng khoán và đang chờ điểm hòa vốn", Zhu nói. "Trong thời gian chờ đợi, tôi liên tục mua đá quý".
Cô cho hay đã tham gia vào nhiều cuộc đấu giá trang sức và các diễn đàn thảo luận về chủ đề này trên mạng xã hội. Cô lùng mua những viên hồng ngọc hình thù kỳ lạ, với hy vọng giá trị của chúng sẽ tăng theo thời gian.
Không chỉ mình Zhu có suy nghĩ này. Dữ liệu công bố ngày 18/4 cho thấy mức tiêu thụ trang sức và kim loại quý ở Trung Quốc trong tháng 3 tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu danh sách các mặt hàng gia tăng doanh số bán lẻ trong quý đầu tiên.
Một quầy bán đồ trang sức tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 18/8/2021. Ảnh: Reuters
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I, với doanh số bán lẻ tăng 10,6%, vượt xa so với dự báo 7,4%.
Sức hấp dẫn của đá quý và vàng tăng lên ở Trung Quốc sau khi ngân hàng Silicon Valley của Mỹ phá sản và ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse bị mua lại, làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư.
"Người tiêu dùng đầu tư vào kim loại quý như một kênh trú ẩn an toàn tiềm năng và phòng ngừa lạm phát, bởi nhiều người nhận định mức lạm phát thấp ở Trung Quốc sẽ không duy trì lâu", Ben Cavender, giám đốc điều hành của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc, nói.
Lo ngại rủi ro, các hộ gia đình Trung Quốc đang tiết kiệm nhiều hơn. Tiền tiết kiệm của các hộ gia đình tăng 9,9 nghìn tỷ nhân dân tệ trong quý I năm nay, sau khi đạt mức tăng kỷ lục 17,8 nghìn tỷ tệ năm 2022. Trong cả năm 2021, tiền tiết kiệm của người Trung Quốc chỉ tăng 9,9 nghìn tỷ tệ.
"Các yếu tố kinh tế, lo ngại rủi ro và sự phục hồi tiêu dùng trong nước đều thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào trang sức, kim loại quý", Pang Xichun, giám đốc nghiên cứu của công ty quản lý đầu tư Nanjing RiskHunt, nhận định.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)